Nên viết tên người Việt thế nào trong các công bố khoa học và báo chí tiếng nước ngoài?

Thứ năm - 07/12/2017 05:31
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bình vừa nêu lại vấn đề này trên diễn đàn ICT-VN và nhận được nhiều quan tâm của mọi người. Ban biên tập website xin trích đăng toàn văn và thực hiện một khảo sát trực tuyến ở bên trái website) để lấy ý kiến độc giả!
Họ Nguyễn là 1 trong 100 họ phổ biến tại Pháp năm 2005. Nguồn ảnh: surnames.behindthename.com
Họ Nguyễn là 1 trong 100 họ phổ biến tại Pháp năm 2005. Nguồn ảnh: surnames.behindthename.com

Tôi xin nêu lại vấn đề này đã từng nêu cách đây gần 20 năm (ngày 6/10/1998) trên diễn đàn VKS của lưu học sinh và thực tập sinh Việt Nam ở nước ngoài (www.jaist.ac.jp/~binh/VKS/), vì thực tế người Việt chúng ta hiện nay chưa nhất quán trong cách ghi tên tác giả trong các công bố khoa học, mà ngày càng “trăm hoa đua nở!”. Cũng trong một nghị quốc tế mà người Việt ghi họ tên mình với nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, gần đây các hội nghị quốc tế ở VN như ATC, KSE, SoICT, NICS… dùng các cách ghi họ tên khác nhau trong các bài báo. Thậm chí, trong một bài báo mà nhóm tác giả lại ghi mỗi người mỗi cách (!). Nên chăng, đã đến lúc chúng ta thống nhất cách ghi tên tác giả người Việt để dễ nhận biết, tiện thống kê và bên ngoài nhìn vào thấy người Việt có cách ghi nhất quán, chứ không nên tùy ý vì … “tôi thích thế”?!

(1)   Tên người Việt chúng ta thường ở dạng “Họ Đệm Tên” và viết theo thứ tự đó, ví dụ Nguyễn Văn Hùng

(2)   Người Việt hiện nay gọi theo TÊN, không gọi theo HỌ. Người có tên trên được gọi là Hùng, không gọi là Nguyễn. Trừ một số trường hợp đặc biệt gọi bằng HỌ do “giao thời” như: Cụ Phan (Phan Bội Châu), Bác Hồ (Hồ Chí Minh), Bác Tôn (Tôn Đức Thắng),… Từ thế hệ lãnh đạo sau Bác Hồ đều gọi theo TÊN (Tướng Giáp chứ không gọi Tướng Võ, …). Ấy nhưng gần đây một số người trong giới showbiz và báo chí có vẻ muốn dùng lại việc gọi theo họ hay viết họ ở cuối trong tiếng Việt (Mr. Đàm, Hà Trần,…) ?!  

(3)   Tên các lãnh đạo và người Việt Nam khi ghi trên báo chí bằng tiếng nước ngoài đều phiên âm đúng thứ tự của tiếng Việt, tức ghi Nguyen Van Hung. Chẳng hạn, tên các nhà lãnh đạo đều được ghi sang tiếng Anh như: Ho Chi Minh, Vo Nguyen Giap, Pham Van Dong, Le Duan, Nguyen Van Linh, Do Muoi, Nguyen Phu Trong, Nguyen Tan Dung, Nguyen Thi Kim Ngan, Nguyen Xuan Phuc… (Chứ không ghi Chi Minh Ho / Minh Chi Ho, Giap Nguyen Vo / Nguyen Giap Vo, Dong Van Pham / Van Dong Pham, Duan Le, Thi Kim Ngan Nguyen,…). Tên các nhà khoa học cũng được ghi theo thứ tự tên Việt Nam: Tran Huy Lieu, Ton That Tung, Hoang Tuy, … Khi viết tắt trong công bố khoa học, tên người Việt được ghi tắt họ và đệm, tên được ghi cuối, như TH Lieu, TT Tung, H Tuy, … Khi các đoàn ngoại giao tiếp người Việt Nam thì họ đều gọi người Việt theo TÊN hoặc họ tên đầy đủ theo thứ tự tiếng Việt, chứ không theo HỌ (vì hiểu và tôn trọng văn hóa Việt Nam).

(4)   Đa số các nước châu Âu, Mỹ, Úc và châu Á xưng nhau theo HỌ và thường viết HỌ ở cuối, như Donald John Trump / Donald J. Trump / D.J. Trump / Donald Trump hay viết HỌ lên đầu thì phải có dấu phẩy theo sau như Trump, Donald John / Trump, Donald J. / Trump, D.J., v.v. Người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Hàn Quốc ghi tên bằng tiếng của họ cũng theo thứ tự Họ Đệm Tên, như tên các lãnh đạo 習近平 (Xi Jinping = Tập Cận Bình), 安倍 晋三 (Abe Shinzo). Khi sang tiếng Anh thì họ ghi ở dạng ĐệmTên Họ (Jinping Xi, Shinzo Abe) hay Đệm-Tên Họ (Jin-Ping Xi) và người ta gọi là Mr. Xi, Mr. Abe – đúng theo phong tục gọi theo HỌ của người Âu/Á (TQ, HQ hay Nhật Bản). “Last name” của người Âu, Mỹ cũng chính là HỌ hay FAMILY NAME.

(5)   Nguyễn Văn Hùng – tên người Việt sang tiếng Anh nên ghi thế nào? Nhiều cách viết khác nhau mà chúng ta đang gặp hiện nay:

(5.1) Nguyen Van Hung [viết tắt: N.V. Hung hay NV Hung]

(5.2) Van Hung Nguyen [V.H. Nguyen]

(5.3) Hung Van Nguyen [H.V. Nguyen]

(5.4) VanHung Nguyen [V.H. Nguyen]

(5.5) Van-Hung Nguyen [V.-H. Nguyen]

(5.6) Nguyen, Van Hung [Nguyen, V. H.]

(5.7) Hung V. Nguyen [H.V. Nguyen]

(5.8) Hung Nguyen [H. Nguyen]

(5.9) Nguyen-Van Hung [N.-V. Hung]

(5.10) Hung Nguyen-Van [H. Nguyen-Van]

(5.11) NguyenVan Hung [N. Hung],

(5.12) Hung Nguyen Van [Hung N.V.]

(5.13) Nguyen Van-Hung [N. Van-Hung]

v.v.

Quả là phiền và phân vân nên lấy theo cách nào cho … “chuẩn” (Chưa kể họ tên dài như “Nguyễn Vũ Thị Hoài An”, “Tôn Tằng Công Nữ Huế Thương”,…)

(6)   Khảo sát nhanh trong giới khoa học VN (trên scholar.google.com) khi viết tên sang tiếng Anh:

(6.1) Viện Hàn lâm KHCN VN (VAST): đa số các nhà khoa học dùng theo (5.1), xin phép các Giáo sư có tên nêu dưới đây dùng cách viết tắt trong các bài báo, như

- Viện/ngành Toán: H Tuy, NK Son, NV Trung, HH Khoai, TV Nhung, NT Cuong, LT Hoa, D Dung, ND Tan, NHV Hung, NH Du, H Mui, DH Thang, PK Anh, PT Long, ND Yen, PH Hai, NTH An, DN Hao …

- Viện/ngành Vật lý: DV Duc, NP Thuy, TX Hoai, DT Don, NA Viet, N Chau, BT Cong, NH Luong, NH Duc, ND Chien, NN Dinh, NQ Bau, BG Duong, NT Hien, HN Nhat, PD Thang …

- Viện/ngành CNTT: BH Khang, PD Dieu, NT Hai, H Kiem, VD Thi, PT Tuoi, LC Mai, NQ Tao, NT Thang, … (thư thoảng có dùng (5.2))

(6.2) Các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khác: theo các cách khác nhau, dùng cả (5.1) – (5.13), nhưng phổ biến là (5.1), (5.5), (5.3) và (5.6). 

(6.3) Khi học Lý thuyết tối ưu, chúng ta học định lý Hoàng Tụy mà tiếng Anh gọi là “Tuy’s theorem”, chứ không gọi “Hoang’s theorem”. Khi học Xử lý ảnh, chúng ta gặp “Phong shadow” lấy theo tên tác giả người Việt là Bùi Tường Phong (1942-1975), một nhà khoa học Việt-Pháp-Mỹ, ông mất khi mới 33 tuổi. Người ta phải giải thích cách dùng tên người Việt: “In this Vietnamese name Bùi Tường Phong, the family name is Bui. According to Vietnamese custom, this person should properly be referred to by the given name Phong”. Hay phương pháp mổ gan nổi tiếng của GS Tôn Thất Tùng sang tiếng Anh là “Ton That Tung’s livers” hay “Tung’s livers” method… Thật tự hào với các nhà khoa học Việt Nam, và họ đã dùng tên trong tiếng Anh theo (5.1).

 (6.4) Nhiều nhà khoa học trẻ ra nước ngoài học tập, nghiên cứu hoặc khi bắt đầu viết báo bằng tiếng Anh thường “chiếu” việc dùng tên theo “nghĩa” với quy ước của của người nước ngoài, tức ghi HỌ cuối cùng (và tự biến tên gọi của mình từ Hùng sang Nguyễn), đánh mất thứ tự họ tên Việt của mình. Hoặc khi khai hồ sơ du học thì khai theo “nghĩa”, đặt đúng họ (Nguyen) vào “Family name” nên sau này không muốn đổi lại thành thứ tự như tiếng Việt, do vậy, bỏ mất cách viết (5.1).

(6.5) Sự phân vân trong các cách dùng (5.*) dễ được quyết định khi khai vào form nào đó có ghi “Full name (as printed in passport)” thì rõ ràng cứ (5.1) mà khai. Hoặc form hỏi “First name”, “Middle name”, “Last name” thì cũng theo (5.1) mà ghi là “chuẩn Việt” và trùng 2 bên ta và Tây/Á! J

(6.6) Bản thân tôi cũng dùng cách ghi (5.1) cho … lành! Có lần Ban biên tập tạp chí IEICE hỏi tôi phải ghi là “N.B. Nguyen” chứ, tôi giải thích: người Việt chúng tôi không gọi nhau theo HỌ mà gọi theo “Last name” J, “Last name” của tôi là BINH, đề nghị ghi Nguyen Ngoc BINH (N.N. Binh). Họ chấp nhận và từ đó in theo (5.1) cho đến nay! J Rồi khi gửi bài hội nghị ở Đức (EURO-DAC), tôi ghi tên có dấu là “N.N. Bình”, Ban biên tập hỏi bỏ dấu huyền được không, tôi trả lời là tên tôi tiếng Việt viết đúng là phải có dấu, cũng giống như người Đức các ông dùng nguyên âm u có hai chấm ở trên, và họ in “N.N. Bình”! J Bây giờ có Unicode thì việc in ấn đúng tên tiếng Việt có dấu sẽ thuận lợi. Rõ ràng ghi Hung thì không rõ là Hùng hay Hưng, Hung thì chắc là không phải (mà lại ghi!?)! Nhưng những năm 1998-2000 tôi công tác ở JAIST, sếp dùng (5.2) nên tôi phải theo (5.2) là “N.B. Nguyen”. Trở về nước năm 2000 tôi dùng lại (5.1). Tuy nhiên, gần đây các học trò lại “thuyết phục” tôi theo (5.5) (!) và tôi đề nghị dùng theo (5.1). Tôi tin là chuyện tương tự cũng xảy ra trong các nhóm nghiên cứu của các thầy cô và các anh chị khi dùng các cách viết tên khác nhau trong tiếng Anh, và lấy cách viết của người trưởng nhóm làm chung cho cả nhóm, chứ không nên dùng lẫn các kiểu (5.*) trong một bài báo.

(7)   Kiến nghị: Theo các phân tích trên, người Việt nên viết tên mình sang tiếng nước ngoài theo đúng thứ tự họ tên viết trong tiếng Việt, tức dùng (5.1), như trong hộ chiếu và gọi theo TÊN (là “last name” trong cách viết tiếng Việt), không nên để người nước ngoài gọi mình theo HỌ. Dù là quyền và tự do cá nhân, nhưng nên thống nhất trong cộng đồng với văn hóa người Việt.

Có lẽ chỉ người Việt chúng ta mới gặp phải vấn đề này? Chuyện tuy nhỏ, nhưng có gì đó canh cánh và bất an… Chẳng nhẽ Tây/Á tôn trọng văn hóa ta, còn ta lại tự làm mất (tên) mình???!!!

Kính mong các thầy cô, các nhà khoa học, các anh chị và các cơ quan quản lý hữu quan liên quan đến định danh (nhất là các cơ quan khoa học/đào tạo, các ban biên tập các tạp chí hay kỷ yếu xuất bản bằng tiếng Anh) lên tiếng trao đổi và đi đến thống nhất, “mất công một lần để cho thống nhất từ nay…”, góp phần chuẩn mực tin học hóa và CCHC trong khoa học, đào tạo và đối ngoại.

“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một…”, nên “Tên người Việt Nam cũng chỉ nên dùng một cách viết thống nhất”! J

Nếu như đã có quy định rồi (mà lâu nay chưa thực hiện) thì xin ai biết vui lòng chỉ giúp. Quy định cách nào chúng ta sẽ theo cách đó cho sớm thống nhất.

Xin lỗi các thầy cô và các anh chị chưa dùng theo (5.1) thì vui lòng xem xét giúp.

Nếu có làm ai phật ý điều gì thì xin được lượng thứ.

Xin cảm ơn!

Kính chúc các thầy cô và các anh chị sức khỏe, vui vẻ, bình an và thành công mọi việc!

Trân trọng,

Xin hãy thực hiện bình chọn ý kiến của bạn ở bình chọn bên trái!

Thông tin tác giả: http://ifi.edu.vn/vi/nnbinh/

Tác giả: NN Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 63 trong 14 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 14 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Thăm dò ý kiến

Nên viết tên người Việt thế nào trong các công bố khoa học và báo chí tiếng nước ngoài?

Thăm dò ý kiến 2

Bạn có đồng ý nên thống nhất dùng kiểu 5.1 (NV Hung) để viết tên người Việt trong các công bố khoa học và báo chí tiếng nước ngoài không?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây